Triển vọng kinh tế Mỹ 2024: Biến động và phát triển

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2023 là năm đầy biến động đối với nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng. Mặc dù GDP năm 2023 của Mỹ đã tăng trưởng hơn so với dự kiến nhưng cân đối cung cầu trên thị trường lao động và lạm phát vẫn là những vấn đề vĩ mô đáng quan tâm. Kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ có xu hướng tốt hơn trong bối cảnh đất nước Mỹ đầy biến động trong năm 2024...
Triển vọng kinh tế Mỹ 2024: Biến động và phát triển
Ảnh minh họa

Nền kinh tế Mỹ năm 2023 đã đạt được những tiến bộ đáng kể, với mức tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP dự kiến. Theo dự kiến vào tháng 11 năm 2022 của Goldman Sachs (GS), tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 là 1%, còn theo dự báo của Bloomberg Consensus là 0,4%, nhưng trên thực tế năm 2023 đã vượt xa dự kiến khoảng 2,4% (Hình 1). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo con số này là 2,1% năm 2023 và 1,5% năm 2024, cao gấp đôi so với dự báo đưa ra cho nền kinh tế Anh nói riêng và cao hơn tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu nói chung. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì những con số này lần lượt là 2,4% năm 2023 và 1,5% năm 2024.

KINH TẾ MỸ NĂM 2023

Những yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP Mỹ là: một, sự gia tăng các khoản đầu tư cố định (trừ nhà ở), gồm các công trình, thiết bị và sở hữu trí tuệ. Riêng trong quý III/2023, con số này tăng trưởng 1,3%. Hai, chi tiêu của Chính phủ Mỹ tăng 5,5% riêng trong quý III/2023. Ba, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tư nhân ở mức vừa phải do tác động của các điều kiện tài chính và tiền tệ thắt chặt hơn. Bốn, tăng trưởng việc làm chậm hơn nữa do nhu cầu yếu hơn và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024.

Lạm phát giảm về cuối năm

Lạm phát của Mỹ vào tháng 3/2023 là 7,1% - mức cao nhất trong 40 năm qua, tới tháng 9/2023 giảm còn 4,2%, tiếp tục giảm xuống còn 3,2% vào tháng 10/2023 và 3,4% vào tháng 12/2023, đánh dấu lần đầu tiên ở mức dưới 4% kể từ tháng 12/2022. Chỉ số giá tiêu dùng tổng thể CPI (Consumer Price Index), một thước đo lạm phát quan trọng, mặc dù đi xuống nhưng vẫn ở mức cao so với trước đại dịch Covid-19. (Hình 2).

Lạm phát của Mỹ giảm là nhờ 4 yếu tố.

Một, giá xăng giảm nhanh, sau khi vọt qua mốc 5 USD/gallon năm 2022 đã giảm mạnh trong năm 2023, mức giảm đạt 4,6% trong tháng 10/2023. Giá giảm đi như vậy đã giúp người tiêu dùng tiết kiệm được 32 tỷ USD tiền mua xăng. Chính việc giá năng lượng giảm mạnh trong những tháng gần đây giúp giảm giá thành hàng hóa và dịch vụ (giá thực phẩm giảm nhẹ 0,2%).

Hai, đồng Đôla Mỹ mạnh lên so với các loại tiền tệ khác khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng.

Ba, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không ngừng tăng lãi suất nhằm nỗ lực kiểm soát lạm phát (Hình 3). Điều này khiến cho việc vay tiền của doanh nghiệp khó khăn hơn và dẫn đến việc phải tiết chế chi tiêu.

Bốn, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài từ năm 2021 đến nay đã yếu đi. Điều này giúp cho chi phí vận chuyển thấp hơn, lượng hàng hóa sẵn có nhiều hơn tạo ra áp lực cần giảm giá.

Thương mại duy trì đà tích cực

Các diễn biến quốc tế đã hỗ trợ tăng trưởng Mỹ trong nửa đầu năm 2023 và xuất khẩu ròng của Mỹ đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, ngay cả khi tỷ giá hối đoái hiệu dụng bằng đồng Đôla Mỹ vẫn tăng cao. Xuất khẩu xăng dầu của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2023.

Trong bối cảnh một số nước và khu vực như Trung Quốc, EU vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, thương mại Mỹ vẫn duy trì đà tích cực (xuất khẩu tháng 9/2023 của Mỹ đạt 256 tỷ USD, cải thiện so với mức 251 tỷ USD tháng 8/2023 và 248 tỷ USD tháng 5/2023, tháng 6/2023; trong khi nhập khẩu 3 tháng 6, 7 và 8 xoay quanh mức 311-314 tỷ USD, giúp cán cân thương mại dần được cải thiện, ở mức thâm hụt 58,2 tỷ USD tháng 8/2023 – là mức thấp nhất kể từ 9/2020). Xuất khẩu sang Trung Quốc gần như không thay đổi nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 25% so với một năm trước.

Thị trường lao động tăng trưởng chậm lại

Tình trạng cung và cầu lao động ở Mỹ năm 2023 đã hợp lý hơn (dù cầu lao động vẫn cao hơn cung lao động) và tăng trưởng việc làm vẫn tiếp tục ở mức vừa phải nhưng chậm lại vào năm 2023.

Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức thấp so với nhiều năm trước đây.

Lạm phát không ngăn cản thị trường lao động và tiền lương tiếp tục tái cân bằng. Điều này là do sự vượt trội từ phía cung (nguồn cung lao động không chỉ phục hồi mà còn tăng mạnh). Điều này đã ảnh hưởng đến lương và giá cả và làm giảm bớt nỗi lo về suy thoái kinh tế.

DỰ BÁO NĂM 2024

Tăng trưởng việc làm sẽ chậm hơn nữa do giảm nhu cầu và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024. Lạm phát sẽ giảm, cho phép nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2024 và phục hồi tăng trưởng nhu cầu trong nước vào năm 2025. Triển vọng kinh tế có thể trở nên tồi tệ hơn nếu tác động của chính sách thắt chặt lãi suất mạnh hơn giả định hoặc dẫn đến căng thẳng tài chính. Lạm phát giảm mạnh hơn kết hợp với việc làm ổn định có thể dẫn đến các điều kiện tài chính được nới lỏng hơn và xu hướng tăng trưởng được cải thiện.

Về tăng trưởng GDP.

Dự báo tăng trưởng GDP thực tế sẽ chậm lại ở mức 1,5% vào năm 2024 trước khi tăng lên 1,7% vào năm 2025. Các điều kiện tài chính hạn chế hơn do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ là một trở ngại. Những tác động hỗ trợ của giá tài sản tăng trước đó và số tiền tiết kiệm dư thừa của hộ gia đình tích lũy đang mờ dần. Đầu tư vào nhà ở và kinh doanh sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2024. Khi nhu cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng việc làm sẽ giảm bớt và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên. Lạm phát sẽ tiếp tục giảm do nền kinh tế chậm lại và khi điều kiện cung ứng tiếp tục dễ dàng hơn. Khi lạm phát giảm và chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm 2024 và sang năm 2025.

Triển vọng kinh tế có thể có những biến động bất ngờ nếu tác động của các điều kiện tài chính thắt chặt tỏ ra mạnh hơn dự đoán hoặc nếu lạm phát cơ bản vẫn tăng, trì hoãn bất kỳ việc nới lỏng chính sách tiền tệ tiềm năng nào. Căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng vào đầu năm 2023 đã giảm bớt, nhưng sự biến động trên thị trường trái phiếu có thể là trở ngại mạnh hơn cho tăng trưởng. Trong ngắn hạn, khả năng chính phủ đóng cửa sẽ là lực cản cho tăng trưởng cho đến khi vấn đề được giải quyết.

Về lạm phát.

Khi những vấn đề nan giải về giá cả đã được giải quyết trong năm 2023, thì hy vọng năm 2024 Mỹ có thể quay trở lại lạm phát mục tiêu và thoát khỏi những tác động nặng nề từ việc thắt chặt tài chính và tiền tệ trong năm 2023. Xác suất suy thoái trung bình trong 12 tháng tới của Mỹ, theo dự báo của Goldman Sachs là 15%, còn Bloomberg dự báo cao hơn rất nhiều là 48%. Lạm phát cơ bản PCE giảm từ mức 3,4% vào tháng 12/2023 xuống mức 2,4% vào tháng 12/2024. Tình trạng giảm phát sẽ tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực ô tô, cho thuê nhà ở và thị trường lao động.

Thị trường ôtô tuy phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến nhưng cuối cùng đã khắc phục được vấn đề về chuỗi cung ứng, khôi phục sản xuất về mức bình thường, xây dựng lại các kho hàng và sự cạnh tranh giữa các đại lý và các nhà sản xuất bắt đầu trở nên gay gắt. Theo dự báo của Goldman Sachs, PCE xe mới giảm từ 0,7% (tháng 12/2023) xuống còn -1,7% (tháng 12/2024).

Thị trường cho thuê nhà ở, do nhu cầu thuê nhà ở và nguồn cung căn hộ tăng mạnh sau đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại chỉ số nhà ở từ 6,3% (tháng 12/2023) xuống còn 4,1% (tháng 12/2024).

Goldman Sachs dự báo Ủy ban Thị trường mở Liên bang (Federal Open Market Committee – FOMC) có thể sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào quý 4/2024 khi lạm phát PCE lõi giảm xuống dưới 2,5% và liên tục cắt giảm 25 điểm cơ bản mỗi quý đến quý 2/2026 khi lãi suất quỹ liên bang đạt 3,5-3,75%. Do đó, không nhất thiết phải cắt giảm lãi suất năm 2024 để tránh suy thoái kinh tế. Điều này có thể không thấp bằng điểm trung bình dài hạn 2,5% nhưng cũng không cao đến 5,25-5,5%. Do những trở ngại của cuộc khủng hoảng tài chính đã qua, thâm hụt tài chính lớn hơn sẽ thúc đẩy tổng cầu có khả năng tiếp tục tồn tại và lãi suất quỹ đang tiến gần đến trạng thái cân bằng...

RỦI RO ĐỐI VỚI TRIỂN VỌNG KINH TẾ MỸ NĂM 2024

Hai rủi ro chính vẫn được quan tâm hàng đầu: (1), xung đột địa chính trị; (2), nguy cơ giá dầu tăng vọt. Mặc dù có thể, nhưng có nhiều khả năng đây là một bước thụt lùi trong cuộc chiến chống lạm phát hơn là một yếu tố thay đổi cuộc chơi.

Thứ nhất, cuộc chiến Nga – Ukraine, chiến tranh Israel – Hamas và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Mỹ. Đây là một cuộc đua gay cấn và nếu bên thua không chấp nhận kết quả bầu cử thì nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt nhiều bất ổn. Đấu tranh giữa hai đảng và rạn nứt trong nội bộ Đảng Cộng hòa cũng sẽ khiến lòng tin người tiêu dùng Mỹ giảm sút.

Thứ hai, nếu giá dầu tăng đột biến trong năm 2024 sẽ đưa nước Mỹ trở lại môi trường lạm phát vào cuối năm 2021 và 2022, khi giá tăng đột biến lan rộng trên nhiều mặt hàng và hàng hóa khác bị thiếu hụt nghiêm trọng. Xét cho cùng, nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến nhiều biến động lớn về giá năng lượng trong 20 năm trước đại dịch Covid-19. Điều này có tác động hạn chế hơn nhiều đối với lạm phát cơ bản và kỳ vọng lạm phát.

Nếu bất kỳ rủi ro nào trong số này trở thành một trở ngại lớn cho tăng trưởng trong năm tới, thì Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) có thể sẽ cảm thấy thoải mái cắt giảm để đáp trả theo cách mà năm 2023 họ không làm và họ sẽ có nhiều dư địa để làm như vậy.

Trên thực tế, nếu lãi suất cao hơn gây ra vấn đề và việc Fed cắt giảm lãi suất để ứng phó, các nhà đầu tư có thể điều chỉnh lại kỳ vọng của họ. Điều này sẽ giúp giảm một phần lãi suất trong tương lai...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật