Vụ Vimedimex: Luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm các sở, ngành liên quan

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên cho tất cả 11 bị cáo được hưởng án treo.
Vụ Vimedimex: Luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm các sở, ngành liên quan
Các bị cáo trong vụ Vimedimex. Ảnh: CTV

Ngày 19-4, phiên tòa xét xử cựu chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan và 10 đồng phạm về tội vi phạm quy định về đấu giá tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Loan - cựu chủ tịch Vimedimex đã đề nghị trả hồ sơ để làm rõ vai trò của một số lãnh đạo sở, ngành.

HĐXX nghe các luật sư, bị cáo trình bày quan điểm bào chữa. Trước đó, đại diện VKS đã phát biểu quan điểm luận tội khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo đúng người đúng tội. Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đại diện VKS đề nghị các mức án khác nhau nhưng đều cho hưởng án treo đối với tất cả các bị cáo.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Loan bị đề nghị mức án 30-36 tháng tù cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về đấu giá tài sản. VKS cáo buộc bà Loan đã có hành vi dùng 3 pháp nhân đều do mình điều hành hoạt động kinh doanh để tham gia đấu giá, thống nhất với cấp dưới của mình đi đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội).

Nhóm bị cáo dùng cách thức bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm, công ty nào trúng đấu giá thì dự án vẫn thuộc bị cáo. hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước 135 tỉ đồng. Đến nay, hậu quả vụ án đã được khắc phục hết.

Bào chữa cho cựu chủ tịch Vimedimex, luật sư nêu bà Loan chỉ sở hữu 20% cổ phần cũng không phải người đại diện theo Pháp Luật của 3 công ty tham gia đấu nên việc cáo buộc bà Loan sử dụng 3 công ty để tham gia đấu giá, bỏ giá theo kịch bản từ trước nhằm dìm giá đất là không có cơ sở.

Khi CQĐT và VKS giao các bản Kết luận điều tra, điều tra bổ sung, cáo trạng, bà Loan đều ghi không đồng ý với các văn bản trên và có đơn kêu oan, đơn khiếu nại, đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan tố tụng nhưng đều không nhận được phản hồi.

Luật sư cũng cho rằng cách trả giá của 3 công ty vẫn đảm bảo phương thức trả giá lên, không vi phạm quy chế đấu giá. Đến nay chưa có tài liệu nào chứng minh 3 công ty này có quan hệ "móc ngoặc" với đơn vị tổ chức đấu giá, tư vấn thẩm định... Cơ quan tố tụng không thể chỉ căn cứ vào việc các công ty bỏ giá bằng nhau mà kết luận rằng có sự chỉ đạo, thông đồng, dàn xếp từ trước.

Sai phạm trong việc xác định giá khởi điểm của khu đất thuộc về đơn vị tư vấn thẩm định giá và người có tài sản bán đấu giá chứ không phải do bên tham gia đấu giá là Công ty Bắc Từ Liêm, hoặc tác động từ cá nhân bị cáo Nguyễn Thị Loan.

Về định giá, cơ quan tố tụng lấy mốc thời gian là tháng 10-2020 (thời điểm phát hành chứng thư thẩm định giá) để kết luận thiệt hại. CQĐT yêu cầu định giá tài sản tại thời điểm 10-2020 là không hợp lý bởi thời điểm đó dự án đã đi vào hoạt động, tài sản định giá không còn, không tuân thủ đúng các quy định tại Bộ luật tố tụng Hình Sự.

Luật sư cũng cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi cơ quan tố tụng không xử lý trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan.

Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ trách nhiệm của họ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật